[Review][Book] Child 44 – Tom Rob Smith


WARNING: BÀI VIẾT SPOIL TOÀN BỘ NỘI DUNG TRUYỆN

Những dòng đầu được đọc khi mở Child 44 là những lời khen ngợi quyển sách. Thường thì tôi bị dội với những lời khen ngợi vì khả năng thất vọng cao hơn nhưng với Child 44 thì không. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn trẻ Tom Rob Smith hoàn toàn xứng đáng với những lời khen kia.

Câu chuyện lấy bối cảnh nước Nga Xô Viết dưới thời Stalin với nhân vật chính là đặc vụ Leo Demidov. Khoảng thời gian đó, tỉ lệ tội phạm hoàn hảo – 0% được bảo đảm bởi đội quân cảnh sát mật mà Leo là một thành viên, ngày đêm truy quét, đẩy những vụ án vào bóng tối. Nói một cách khác, nó tương tự với việc quét rác xuống thảm, rác vẫn tồn tại nhưng không ai thấy. Một ngày kia, Leo buộc phải điều tra một vụ tai nạn – con người đồng nghiệp chết bên đường ray xe lửa giữa trời đông. Từ đó, hàng loạt những sự thật méo mó dần được phơi bày.

Cốt truyện của Child 44 không có gì đặc biệt, có phần đơn giản. Người đọc dễ dàng đoán ra thủ phạm chỉ sau 1/3 truyện. Nhưng điểm níu giữ độc giả qua từng trang sách không nằm ở chỗ đoán thủ phạm là ai, hắn thực hiện tội ác như thế nào mà là động cơ của hắn là gì, hắn bị bắt ra sao và quá trình phát triển tâm lí của dàn nhân vật được xây dựng rất tốt. Có thể nói, hai điểm nổi bật nhất của tác phẩm là nghệ thuật xây dựng nhân vật và xây dựng tình huống truyện. Hai yếu tố đó được hòa trộn một cách xuất sắc, khiến Child 44 hấp dẫn tới tận phút cuối cùng.

Với giọng văn chậm rãi, bình thản, có phần lạnh lùng, tác giả đã tạo nên một câu chuyện với không khí ngột ngạt, xám xị, đầy căng thẳng và sợ hãi, lạnh lẽo tựa mùa đông nước Nga. Child 44 sử dụng trật tự tuyến tính đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Truyện bắt đầu một cách bí ẩn với khung cảnh tang tóc của nạn đói kinh hoàng ở Ukraine với những chi tiết lẫn nhân vật gần như không liên quan tới nội dung nhưng tất cả đều được đem trở lại một cách hợp lí lúc kết thúc.

Nước Nga Xô Viết dưới thời Stalin trong Child 44 là một nhân vật đặc biệt. Nó là một khái niệm nhưng dưới sự biến hóa của tác giả, nó đã trở thành một sinh vật có sự sống riêng, lẩn khuất trong từng con người sống trong xã hội đó; ẩn náu trong không khí, gieo rắc sự sợ hãi lên con người lẫn khung cảnh; tạo dựng những thử thách cho những nhân vật người khác như một kẻ quản trò điêu luyện và độc địa. Thiếu yếu tố này, câu chuyện không thể hấp dẫn đến thế.

Nhân vật chính, Leo, trong xã hội thời đó được coi là người tốt và công dân gương mẫu, ít ra trong chính mắt anh là vậy. Anh là anh hùng chiến tranh nổi tiếng, xuất hiện nhiều lần trên báo. Sau chiến tranh, anh làm việc cho sở cảnh sát mật, chuyên bắt những tay phản động, bảo vệ sự tồn tại cho chế độ. Anh trung thành tuyệt đối, có niềm tin không suy suyển vào đảng cũng như lãnh tụ và tuân lệnh tuyệt đối, một hình mẫu người lính lí tưởng. Anh không bao giờ thắc mắc về những nhiệm vụ hướng tới lí tưởng vĩ đại, luôn hoàn thành chúng dù có phải nhờ đến thuốc phiện, dù có phải thực hiện chúng một cảnh tàn nhẫn đến mức nào. Vì niềm tin mãnh liệt của mình, anh không ngại chuyện bắt bớ lúc nửa đêm về sáng, lục tung nhà người khác lên khám xét lúc mặt trời còn chưa lên, chia rẽ gia đình hay dẫn độ họ về sở làm để nhận hình phạt duy nhất là tử hình.

Một ngày kia, Leo được ra lệnh phải làm công tác tư tưởng cho gia đình của nạn nhân, vốn là con trai một đồng nghiệp – Fyodor. Theo hồ sơ từ cấp trên, vụ việc chỉ là một tai nạn đường ray đáng tiếc nhưng Fyodor và gia đình lại khăng khăng rằng đứa bé bị giết. Đó quả là một khái niệm tầm phào vì tỉ lệ tội phạm bằng 0%, nghĩa những vụ phạm tội lặt vặt đã không tồn tại thì chuyện động trời cỡ giết người sao có thể xảy ra. Chuyện nghĩ rằng vụ án là một vụ giết người chứng tỏ niềm tin vào chế độ lung lay, vốn là điều không thể chấp nhận được, đưa gia đình nạn nhân vào danh sách nghi vấn. Thế nên, Leo được cử đến nhà Fyodor để xóa tan tin đồn thất thiệt đó. Gia đình nạn nhân ban đầu không đồng tình với bản báo cáo. Họ đưa ra hàng loạt chứng cứ trái ngược với những gì được viết trong đó: đứa trẻ không mảnh vải che thân khi được tìm thấy bên đường ray chứ không phải ngược lại, miệng thằng bé bị nhồi đất chứ không phải ngược lại, bao tử nó bị cắt mất chứ không phải ngược lại. Họ mời cả nhân chứng chủ chốt đến nhưng vì sự hiện diện của Leo, người đó đã chối bỏ tất cả vì không muốn liên lụy. Vụ việc đó dường như khép lại sau câu nói đầy cay đắng của Fyodor:

My son’s death was a terrible accident.

Cái chết của con trai tôi là một tai nạn kinh hoàng.

Thế nhưng, sau một nhiệm vụ truy đuổi một kẻ tình nghi là điệp viên của phương Tây, lí tưởng tốt đẹp, vững chãi trong Leo gần như lung lay. Nhiệm vụ đó bắt anh chứng kiến cảnh đồng nghiệp – Vasily, vốn không ưa gì Leo, bắn chết những người bị coi là “đồng phạm của điệp viên” một cách thản nhiên và suýt nữa đã bắn luôn hai con gái nhỏ của họ. Nó dẫn dắt anh xuống hầm tra khảo, nơi những nhục hình được sử dụng cho việc lấy thông tin. Tận mắt chứng kiến nguồn gốc của những nhiệm vụ mà anh thực hiện trong hàng mấy năm qua, nhân tính trong Leo, vốn bị ru ngủ bởi ma túy, nhận ra sự phi lí, phi nhân tính trong cái cách nó biến bất cứ ai từ vô tội thành có tội, trong việc nó chỉ cho ra một kết luận duy nhất về những ai bị điều tra – có tội. Kế đó, anh buộc phải “điều tra” vợ mình – Raisa và như lẽ thường, chắc chắn cô sẽ “có tội” và Leo đã phạm phải một sai lầm lớn, anh muốn chứng minh rằng Raisa vô tội. Khi đó, Leo mới biết được cảm giác của những người trước kia anh bắt bớ, lôi khỏi giấc ngủ lúc 4 giờ sáng, tống ra khỏi nhà mình và không bao giờ quay trở lại.

Bị giáng chức, cử về công tác ở địa phương khác, những đầu mối liên quan đến vụ “tai nạn” của con trai Fyodor xuất hiện trở lại. Một đứa trẻ khác, lần này là nữ, cũng có cái chết tương tự: trần truồng, miệng bị nhồi đất, bao tử bị cắt mất. Trong quá trình đưa hung thủ ra ánh sáng, Leo cùng đồng nghiệp mới Nesterov đã đưa một đứa trẻ thiểu năng cùng hơn trăm người đồng tính vô tội đến cái chết. Đồng thời, họ cũng phát hiện ra rằng cái chết của hai đứa trẻ kia có liên quan và chúng không phải nạn nhân đầu tiên. Dần dần, sự thật, về vụ án cũng như quá khứ của Leo được hé mở. Thủ phạm chính là em trai anh, Andrei. Hắn xuất hiện với bộ trang phục đen chỉn chu, tương phản mạnh mẽ với khung cảnh trắng xóa của tuyết, bầu không khí hỗn loạn và lạnh lẽo tựa khí trời mùa đông khi đó. Hắn dụ dỗ những đứa trẻ đang ở một mình đi theo hắn và giết chúng với một niềm hạnh phúc to lớn.

Hai anh em, Pavel – danh tính thực sự của Leo và Andrei gặp lại nhau sau xấp xỉ 20 năm xa cách trong một cuộc đoàn tụ có một không hai. Theo lẽ thường, cuộc đoàn tụ đó phải vui vẻ và cảm động nhưng ở đây, Leo lại sợ bị cuốn vào “tình huống hiểm nguy” với “vodka, thịt xông khói và những câu hỏi” kia, bởi lẽ:

He was here to kill.

Gã đến đây để giết.

Trường đoạn này có thể coi là sáng giá nhất câu chuyện. Những nhân vật giết người hàng loạt dễ sa vào cliché – chúng ác không vì lí do gì cả, thế nên, thường nông cạn và xa rời nhưng nhân vật Andrei thì không. Qua vài trang giấy, tác giả đã phác họa trọn vẹn Andrei, biến hắn từ một con quái vật trở thành một con người. Giáp mặt anh trai mình, Leo, hắn không hề ngạc nhiên, tựa như đã chờ giây phút này hơn 20 năm trời. Với một giọng nhỏ nhẹ, điềm nhiên, hắn kể lại cuộc sống của hắn cho anh trai, như việc một người bình thường sẽ kể sau nhiều năm gặp lại người thân. Hắn phải tồn tại trong ngôi làng đầy người chết trong nạn đói cùng người mẹ đã hóa điên vì mất con. Hắn vừa phải tự nuôi sống mình, vừa phải chăm sóc mẹ, vừa chịu những trận đòn vô cớ từ bà vì hắn không phải anh trai mình – đứa con bà hằng yêu quý, vừa đi tìm người anh mất tích. Khi đó, hắn chỉ mới 8 tuổi. Rồi như bao người khác, hắn gia nhập quân đội. Trong chiến tranh, Leo là anh hùng thì hắn, em trai của anh hùng, vì đầu hàng trước bọn Đức, đã bị khép tội phản quốc, bị điều tra và hành hạ nhiều tháng trời. Sau khi được tha, hắn đi tìm Leo, một cuộc tìm kiếm vô vọng.

Vậy nên, để “thu hút sự chú ý” của Leo, hắn bắt đầu giết trẻ con vì cảnh sát chắc chắn sẽ điều tra vụ án. Hắn tạo cho mình hai cuộc đời riêng biệt: một Andrei – thanh tra, cha của hai đứa trẻ xinh đẹp; một Andrei – kẻ giết trẻ em hàng loạt. Những đau đớn hắn phải chịu dường như khiến hắn bị kẹt mãi trong kí ức mà hắn diễn tả là “hạnh phúc nhất trên đời” năm hắn 8 tuổi, kí ức về cuộc đi săn mèo giữa cái đói kinh hoàng với Leo. Andrei như một phiên bản méo mó của Peter Pan, một kẻ mà tâm hồn đã vĩnh viễn ở lại tuổi lên 8 còn thân xác vẫn tiếp tục lớn lên. Hắn nuôi con mèo với ngoại hình y hệt con mèo hắn và Leo từng săn. Mỗi khi giết một đứa trẻ, hắn lại tái diễn cảnh săn mèo kia, tái diễn kí ức đẹp nhất đời hắn với dây bẫy, đứa trẻ thay con mèo, lời dụ dỗ thay khúc xương, đất thay cho vỏ cây hắn từng ăn kể kiềm cơn đói. Chuyến đi trở về quá khứ của hắn hoàn tất với chiếc mắt kính: bỏ nó ra, khung cảnh lại mù mờ, hiện thực mờ đi, hắn trở về khu rừng xơ xác trong mùa đông của Ukraine. Sau đó, hắn giết những đứa trẻ với nụ cười vô tư, đầy hạnh phúc như hắn đã cười năm 8 tuổi. Cuối cùng, hắn cắt đi bao tử của chúng như một ám ảnh về cái đói hắn trải qua.

Và hắn trong cuộc gặp mặt Leo cũng là một Andrei năm 8 tuổi. Khác với những lần xuất hiện trước, hắn mặc áo trắng, màu sắc của sự trong sáng và ngây thơ đối lập với căn hầm tăm tối cũng như tâm hồn hắn. Lí do hắn giết người cũng như sự giận dỗi khác đều mang màu sắc trẻ con. Một con người trưởng thành với hai đứa con không thể nào hành xử như vậy. Trước người em trai mà trong kí ức Leo, vốn ngượng ngùng và vụng về mà giờ đây lại nói chuyện giết hàng loạt đứa trẻ một cách vô cùng thản nhiên, không chút mảy may hối tiếc hay tỏ ra có lỗi, Leo như câm nín. Mọi lời anh nói đều trở nên vô nghĩa, mọi lí lẽ anh đưa ra đều trở nên yếu ớt. Andrei cho việc hắn giết những đứa trẻ là “cần thiết”. Leo trả lời như thế nào khi chính anh gián tiếp đẩy những người vô tội vào chỗ chết, đẩy những đứa trẻ vào cô nhi viện mà cũng không khá hơn cái chết là bao vì chúng được coi là cần thiết? Andrei nói hắn luôn biết anh còn sống, hắn luôn tìm kiếm anh. Còn Leo? Anh vứt bỏ quá khứ, cả những con người trong quá khứ ấy, trong đó có em trai mình. Anh có thừa khả năng tìm Andrei nhưng anh đã không làm như vậy.

Khi mọi bí mật đã phơi bày, Andrei buông một câu gỏn lọn:

Please, brother, one game. If you play, I’ll let you kill me.

Đi mà anh, một ván thôi. Nếu đồng ý chơi, em sẽ để anh giết em.

Một ván bài, trò chơi hắn luôn yêu thích khi còn nhỏ và mọi chuyện sẽ kết thúc. Phút cuối cùng, Andrei đã cứu anh trai hắn và Raisa khỏi tay Vasily rồi bình thản đón nhận cái chết của mình dưới nòng súng của Leo. Nhưng liệu mọi chuyện có thực sự kết thúc? Nadya, con gái Andrei đã chứng kiến cảnh ba nó chết dưới tay anh trai mình, mắt cô bé “ánh lên sự giận dữ hệt như cha”. Có lẽ, vòng tuần hoàn giết người kia sẽ lặp lại. Có lẽ, giờ đây, tâm hồn Nadya sẽ kẹt mãi trong giây phút đó, hệt như Andrei vậy.

Điểm đáng thất vọng duy nhất của truyện chính là đoạn kết. Một cái kết quá hạnh phúc cho câu chuyện này. Việc không miêu tả cảm xúc của Leo sau khi giết em trai làm tôi khó chịu như có vẻ như vậy lại hay. Trong xã hội mà chuyện bắt bớ qua lời tố cáo người khác là chuyện thường ngày, chuyện tố cáo chính họ hàng thân thích, đẩy họ vào chỗ chết là thường tình, thì đối với Leo, kẻ đã thực hiện chuyện đó quen tay thì việc giết một người, dẫu có là em trai đi chăng nữa, có làm dấy lên trong lòng chút cảm xúc gì? Nhưng chuyện Leo không chăm sóc gì thêm cho gia đình em mình mà không có giải thích gì thêm từ tác giả thật sự là một hạt sạn khó nuốt.

Tuy  vẫn có những tia sáng hiếm hoi ánh lên giữa bể tối: đó là tình yêu vừa nhóm lên trở lại của Leo và Raisa, là những người dân dù sợ hãi nhưng vẫn dũng cảm hỗ trợ Leo tìm lại công lí, là một Leo dám trái lệnh, dám dẹp qua lí tưởng để làm điều đúng dắn nhưng Child 44 là một thiên truyện đầy bóng tối và được dẫn dắt bằng bóng tối. Hiện thân của bóng tối ở đây chính là nước Nga Xô Viết dưới thời Stalin. Cũng như bóng tối, nó lan tràn khắp nơi, trong mọi ngõ ngách từ vật thể tới phi vật thể. Nó là nguyên do câu chuyện về Leo tồn tại. Nó luồn lách vào tâm hồn mọi người dân, khiến họ  không hề hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn mà chỉ hành động để tồn tại. Chính hệ thống pháp lí của nó khiến những vụ án với nạn nhân chính là những đứa trẻ vô tội bị quét xuống thảm, không hề được điều tra đến nơi đến chốn, vẽ đường cho thủ phạm thực hiện tội ác hết lần này đến lần khác. Nó lần theo từng bước chân của Leo trong cuộc điều tra không công khai này. Nó bám riết vào kí ức của Leo, con người Leo và sẽ không buông tha anh cho đến cuối cuộc đời tựa một bóng ma quỷ quyệt. Chính nó cũng đã nhào nặn ra thủ phạm của vụ giết người hàng loạt đó và cuối cùng, phủ nhận sự thật đó để tạo điều kiện cho nhiều kẻ như vậy ra đời nữa.

PS1: Không biết nhét vô chỗ nào trong đống chữ trên kia nên đành xuống đây để ca Raisa vậy. Tôi thích Raisa vô cùng, một người mạnh mẽ, dũng cảm và thực tế, có thể ra tay tàn nhẫn khi cần thiết nhưng tấm lòng vẫn đầy vị tha và nhân hậu. Cô là một tia sáng le lói của truyện nhưng bị tác giả dập tắt tàn nhẫn trong tập cuối.

PS2: Cuộc đời Leo là một chuỗi dài bi kịch không lối thoát, không lối thoát. Nhưng vẫn không thích tay này nổi.

PS3: Hai tập còn lại trong trilogy tuy hay nhưng không ám ảnh bằng tập đầu. Đặc biệt thích cách tác giả (người Anh) diễn tả bạn Mỹ đúng cái tính chất cáo già gian manh thực dụng của bạn ấy. Đọc là thấy Mỹ với Nga trời sinh một cặp.

PS4: Mọi nhân vật trong trilogy này từ 16 tuổi trở lên nếu là nam thì đều “handsome”, tức đẹp trai; nữ thì đều “beautiful” hoặc “very beautiful” tức xinh đẹp hoặc rất xinh đẹp. :v

Each of your comment is love >_^!